Cơ hội tiếp tục cống hiến của cựu giáo chức trong bối cảnh hiện nay
Theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, các viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sĩ hoặc chuyên khoa II và các viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực đặc thù có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi quy định chung (theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ về tuổi nghỉ hưu) không quá 05 năm. Như vậy, đến năm 2028 các viên chức có trình độ và năng lực chuyên môn cao có thể làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đến tuổi 67. Sau đó, viên chức được nhận chế độ hưu trí và vẫn có thể tiếp tục làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập theo hình thức hợp đồng ngắn hạn nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu (thực hiện theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập).
Trước đây, viên chức thuộc cơ sở giáo dục công lập sau khi nghỉ hưu có thể dễ dàng tiếp tục làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục. Tuy nhiên, kể từ lúc Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (về Chuẩn cơ sở giáo dục) có hiệu lực (từ ngày 22/3/2024), với yêu cầu “Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%” thì cơ hội được tiếp tục làm việc như vậy sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Về khả năng hoạt động trí tuệ của đội ngũ nhà giáo nghỉ hưu
Theo số liệu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi. Nếu lùi về 25 năm trước (năm 1999), tuổi thọ trung bình của người Việt chỉ là 68,2 tuổi. Điều này cũng có nghĩa khả năng duy trì hoạt động trí tuệ của đội ngũ nhà giáo cũng tăng theo thời gian. Ở bình diện thế giới, có không ít nhà khoa học đã đạt được những thành tựu quan trọng khi tuổi đã cao. Khi thống kê theo lĩnh vực và tuổi đối với các trường hợp đạt giải Nobel tính từ lúc bắt đầu hình thành giải đến tháng 12/2023, một kết quả nghiên cứu cho thấy có một tỷ lệ đáng kể các nhà khoa học đã đạt giải này ở lứa tuổi sau 70 tuổi ở tất cả các lĩnh vực
Phân bố theo lĩnh vực và tuổi của các nhà khoa học đạt giải Nobel (đến 12/2023).
Khả năng tiếp tục cống hiến của đội ngũ cựu giáo chức đối với Trường ĐHNT
Dựa trên đúc kết từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước và dựa trên khả năng thực tế hiện nay của đội ngũ cựu giáo chức Trường ĐHNT, tác giả đề xuất một số hoạt động để Hội Cựu giáo chức cũng như Trường ĐHNT xem xét triển khai nhằm phát huy tối đa khả năng tiếp tục cống hiến của đội ngũ cựu giáo chức:
- Tư vấn chiến lược phát triển nhà trường và ngành: Nhiều cựu giáo chức đã kinh qua công tác lãnh đạo các cấp khi còn công tác tại Trường cũng như tại một số cơ sở giáo dục tư thục sau khi nghỉ chế độ và vẫn tiếp tục cập nhật về tình hình Nhà trường cũng như sự phát triển của giáo dục đại học nói chung; vì vậy việc tranh thủ kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ này đối với chiến lược phát triển của Nhà trường và của các ngành đào tạo là rất cần thiết.
- Tư vấn ngành nghề trong tuyển sinh và cho sinh viên mới: Mỗi năm, Nhà trường đều tiến hành các hoạt động quảng bá tuyển sinh và tư vấn ngành nghề cho sinh viên mới nhập học. Với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy đối với các ngành đào tạo của Nhà trường, đội ngũ cựu giáo chức có thể có những đóng góp tích cực vào các hoạt động này.
- Hỗ trợ giảng dạy và các hoạt động học thuật: Cũng với kiến thức và kinh nghiệm đã có đối với các ngành đào tạo của Nhà trường, đội ngũ cựu giáo chức có thể tham gia vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động học thuật khác của Nhà trường (như tham gia các seminar học thuật, hỗ trợ hướng dẫn giảng viên trẻ, tư vấn chính sách cho xã hội) với các mức độ khác nhau.
- Tham gia kết nối mạng lưới cựu sinh viên: Với bề dày 65 năm đào tạo, Trường ĐHNT hiện có một đội ngũ cựu sinh viên đông đảo trên khắp cả nước và đang hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và hầu hết đều là học trò của các thế hệ cựu giáo chức hiện nay. Vì vậy, sự tham gia của đội ngũ cựu giáo chức trong các hoạt động nhằm kết nối và phát huy sự đóng góp của cựu sinh viên đối với Nhà trường là rất có ý nghĩa và chắc chắn mang lại hiệu quả cao.
- Tham gia phát triển ngành nghề mới và chương trình đào tạo: Trong tiến trình nâng cấp để trở thành một Đại học quy mô, Nhà trường sẽ cần phát triển thêm các ngành đào tạo mới và cải tiến các chương trình đào tạo hiện có. Cũng với kiến thức và kinh nghiệm đã có, đội ngũ cựu giáo chức có thể tham gia tư vấn cho Nhà trường trong việc lựa chọn ngành đào tạo mới cũng như hướng cải tiến, mở rộng đối với các chương trình đào tạo hiện hữu.
- Tham gia kết nối và hỗ trợ cộng đồng: Gắn kết và hỗ trợ cộng đồng (địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, …) là một chức năng quan trọng của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Nhiều cựu giáo chức đã có mối quan hệ tốt với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp nên có thể hỗ trợ tốt cho Nhà trường trong việc phát triển các mối quan hệ này.
- Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin: Trong suốt quá trình công tác, nhiều cựu giáo chức đã tích lũy khá phong phú các tài liệu chuyên môn gắn liền với các ngành đào tạo của Nhà trường, trong đó có một số tài liệu quý có thể không còn được tìm thấy trên thị trường. Nếu Hội cựu giáo chức và Nhà trường có giải pháp để tiếp nhận được nguồn tài liệu này thì sẽ rất quý đối với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Hỗ trợ tài chính: Nguồn lực tài chính của đội ngũ cựu giáo chức nhìn chung là khá khiêm tốn, tuy nhiên Hội cựu giáo chức có thể kêu gọi sự đóng góp của các hội viên cũng như của các cựu sinh viên để hình thành một quỹ học bổng dành cho sinh viên hiếu học của Nhà trường. Có thể sự đóng góp này là khiêm tốn, nhưng mang lại ý nghĩa lớn trong việc duy trì sợi dây kết nối yêu thương giữa các thế hệ của Nhà trường.
Đội ngũ cựu giáo chức đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường ĐHNT. Đến tuổi nghỉ hưu không có nghĩa là kết thúc hoàn toàn tâm nguyện và cơ hội tiếp tục cống hiến của đội ngũ cựu giáo chức. Việc tạo ra môi trường và các điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát huy khả năng và tâm nguyện cống hiến này sẽ mang lại hiệu quả thật sự cho sự phát triển của Nhà trường cũng như góp phần làm cho đời sống tinh thần của đội ngũ cựu giáo chức trở nên phong phú hơn và giúp họ có nhiều niềm vui hơn nữa trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo :
- https://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-2023-tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-dat-737-tuoi-20231230074951090.htm
- https://vnexpress.net/tuoi-tho-nguoi-viet-30-nam-qua-4446415.html
- https://flourish.studio/blog/visualizing-nobel-prize-winners/
Tác giả: Lê Văn Hảo
Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Nha Trang