Search

Ươm mầm sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên

Thực hiện bài viết: Phạm Thị Thu Hiền – Chuyên viên Trung tâm HTVL&KN.

     Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế. Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các Doanh nghiệp.

     Nhằm mục đích nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ, thông qua việc học tập, sáng kiến cải tiến, hình thành ý tưởng, tạo sản phẩm đặc sắc, gắn liền học tập với thực tiễn, Trường Đại học Nha Trang tổ chức nhiều hoạt động để tạo môi trường cho n sinh viên đam mê khởi nghiệp, được tự do thỏa sức sáng tạo trong việc thiết kế ý tưởng, tạo ra sản phẩm. Sự xuất hiện của Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp NTU năm 2019 đã tạo nên luồng gió mới, sân chơi mới cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của cán bộ viên chức, cựu sinh viên, sinh viên Trường Đại học Nha Trang. Trải qua 4 năm liên tiếp được tổ chức, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp NTU đã thu hút nhiều dự án tham gia, góp phần nâng cao tinh thần khởi nghiệp giới trẻ. Đây không chỉ là một sân chơi cho sinh viên, mà còn là cách để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường trường đại học, cao đẳng. Hoạt động trải nghiệm, thử sức với các dự án khởi nghiệp hy vọng mang đến cho giới trẻ nói chung và sinh viên Trường ĐH Nha Trang nói riêng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo không ngừng nghỉ.

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp NTU 2020.

     Với khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong sinh viên thì việc có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt thôi chưa đủ mà còn cần có bệ phóng tốt là nhà đầu tư. Chính vì thế, Nhà trường xây dựng Quỹ Khởi nghiệp NTU nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, tạo “Vườn ươm” để thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp.

     Trong năm học 2022 – 2023, Học phần Khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo được đưa vào giảng dạy. Sinh viên được học kiến thức nền, sau đó lên ý tưởng - trình bày thông qua mô hình BMC, cuối cùng là hoàn thiện dự án, sản phẩm. Học phần này là nơi mà ý tưởng của bạn sẽ được thực hiện hoá một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Thông qua học phần khởi nghiệp, sinh viên sẽ được tiếp cận các mô hình khởi nghiệp, tự thiết lập kế hoạch khởi nghiệp, được tự tay tạo ra các sản phẩm đặc sắc gắn liền với thiết yếu của cuộc sống. Hiện nay, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo đã trở thành một môn học chính khóa ở nhiều trường đại học. Theo các chuyên gia, điều này hướng tới mục tiêu kép bởi cùng với tinh thần doanh nhân và những kỹ năng, kiến thức căn bản về khởi nghiệp, sinh viên khi lập nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn, và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp, tạo ra việc làm cho chính mình và cho nhiều người khác. 

 “Nước giải khát Đông trùng hạ thảo" – Trưởng nhóm Trần Nhân Quý (dự án đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp NTU 2020”)  - Top 15 dự án sinh viên khởi nghiệp quốc gia Dự án khởi nghiệp 2020.

     Một tin vui từ hoạt động khởi nghiệp Trường Đại học Nha Trang, các giảng viên và sinh viên thuộc nhóm Khởi nghiệp của Nhà trường đã tham gia cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh toàn cầu (Social Business Creation – SBC 2023) - cuộc thi lớn nhất về Khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu năm 2023. Dự án Dasuki Farm đã xếp thứ Nhất toàn cầu ở Vòng 1, tiếp tục lọt vô Top 30 toàn cầu ở Vòng 2. Với ý tưởng sáng tạo hữu ích tạo tác động xã hội, Dự án Dasuki Farm đã mang dự án “Chế phẩm sinh học đa năng làm từ phế thải nông nghiệp, cho nông nghiệp khoẻ mạnh và phát triển bền vững” (Biopesticides from agricultural waste for healthy farming and sustainable development). Dự án được thực hiện với mục đích hiện thực hóa sứ mệnh và mục tiêu nghề nghiệp, không chỉ là tạo ra một doanh nghiệp có lợi nhuận, mong muốn đó chính là dùng chính sức sáng tạo, khả năng khoa học công nghệ hiện đại và nguồn lực sẵn có của người Việt để cung cấp các giải pháp sinh học hiệu quả thay thế hoá chất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người dân.

Các giảng viên và sinh viên khởi nghiệp tham gia Cuộc thi “Sáng tạo Kinh doanh toàn cầu”.

     Tài liệu tham khảo:

  1. Hoàng Thị Bảo Thoa, “Tăng cường vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

  2. Lê Anh Đức (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), 2021,“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam”, Tạp chí công thương điện tử

  3. Hà Nguyên, 2019, “Khởi nghiệp trong trường học: Hướng tới mục tiêu kép”, Báo Giáo dục và Thời đại.

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Lời tri ân gửi vào cành hoa giấy

Bài tiếp tiếp theo

Trưởng thành dưới mái trường đại học thân yêu