Lựa chọn học đại học gần nhà với chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Trường Đại học Nha Trang là một quyết định đúng đắn đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều sau mỗi học kỳ. Ba năm học dưới mái trường này, bản thân tôi đã trải qua những cột mốc quan trọng không thể nào quên.
Cột mốc thứ nhất.
Cô bé nhút nhát!
Trong năm đầu tiên học bậc đại học, tôi khá rụt rè và ít tham gia những hoạt động tập thể, cộng đồng. Đây là khoảng thời gian học các môn đại cương từ xã hội cho đến tự nhiên. Những môn học này hoàn toàn khác xa so với chương trình THPT, khiến cho hầu hết sinh viên trong đó có tôi vật lộn với nó. Nhưng điều gì càng khó thì càng cho tôi động lực cố gắng để vượt qua, làm quen dần với nhiều điều mới mẻ. Để hỗ trợ những tân sinh viên như tôi, các thầy cô ở Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (CNSH&MT) đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan thực tế như tham quan khu bảo tồn biển Hòn Mun; những hoạt động kết nối giao lưu giữa tân sinh viên với anh chị khóa trước. Ngoài ra trong quá trình học, bộ môn tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế ngành nghề. Nhờ những chuyến đi ấy, tôi cảm thấy được có sự liên kết với mọi người và dần vượt qua được hình ảnh “cô bé nhút nhát”.
Cột mốc 2
COVID19!
Khi bước vào năm học thứ hai, lúc đó dường như tôi đã quen với mọi thứ từ bạn bè đến môi trường học tập thì dịch Covid-19 bùng phát. Tất cả sinh viên đều phải chuyển sang học tập trực tuyến, việc giao tiếp với bạn bè và thầy cô bị hạn chế hơn vì chỉ có thể nói chuyện qua tin nhắn. Đối mặt với sự thay đổi bất ngờ này, tôi lo lắng không biết rồi mình sẽ tiếp tục ra sao với việc học. Tôi bắt đầu làm quen với công nghệ, máy tính và các kỹ thuật để kết nối trên không gian mạng để tham gia các buổi học trực tuyến. Đây là thời kỳ khó khăn với tôi và nhiều bạn sinh viên khác, nhưng cũng nhờ đó mà kỹ năng tin học của tôi được cải thiện một cách rõ rệt.
Cột mốc 3
Thấy mình “bỗng lớn”!
Và khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống dần bình thường trở lại là lúc tôi bước vào năm học thứ ba của bậc đại học. Tôi tự tin hơn với việc học và tham gia các dự án, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, “dũng cảm” nhận chức lớp trưởng của lớp 62.CNMT. Năm học thứ ba có lẽ là năm học nhiều kỷ niệm nhất với tôi, bởi mỗi ngày thức dậy đều tràn đầy năng lượng để trải nghiệm cuộc sống ở nhiều vai trò khác nhau, với những hoạt động đa dạng. Từ đó, tôi bỗng nhận ra một điều, dường như “mình đã trưởng thành hơn” rất nhiều.
Sau năm đầu tiên bỡ ngỡ, năm thứ hai gián đoạn vì dịch bênh, năm học thứ ba là giai đoạn “bùng nổ” các hoạt động của tôi cùng bạn bè chung lớp. Ngay từ đầu năm học, tôi đã có cơ hội thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường liên quan đến vấn đề môi trường cùng nhóm bạn với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà trường cùng các thầy cô tại Viện CNSH&MT. Tôi cũng bắt đầu học những môn chuyên ngành, được tiếp cận với ngành nghề và thực tế nghề nghiệp nhiều hơn. Những buổi thực hành ở phòng thí nghiệm đem đến cho tôi những kiến thức mới và đầy thú vị như kỹ thuật cấy vi sinh, pha môi trường, hấp sấy, lấy mẫu để phân tích...
Tôi và bạn bè cũng đã mạnh dạn đăng ký tham dự thi cuộc thi ảnh “Khám phá môi trường tự nhiên với chủ đề đa dạng sinh học biển Khánh Hòa” do Viện CNSH&MT tổ chức. Trong suốt quá trình dự thi, nhóm chúng tôi đã đi nhiều nơi, tìm tòi và ghi lại những hình ảnh về sinh vật biển. Nối tiếp những niềm vui trong suốt quá trình dự thi cùng những kỷ niệm không thể quên, chúng tôi càng thêm hạnh phúc khi được trao giải Nhất tại cuộc thi đầy ý nghĩa này.
Tháng 7/2022, tôi tham gia hoạt động hỗ trợ dự án Zero Waste tại tỉnh Phú Yên và trở thành thực tập sinh của dự án Zero Waste (Viện Eawag – Thụy Sĩ). Đối với tôi, đây chính là một cột mốc quan trọng trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại Trường ĐH Nha Trang. Cơ hội này đã giúp tôi phát triển được nhiều kỹ năng mềm, học hỏi được nhiều điều bổ ích từ thầy cô và các anh chị khóa trước.
Cột mốc 4
Trưởng thành
Trong giai đoạn này, tôi cũng đã tham gia nhiều hoạt động, dự án vì môi trường, tham gia thực hiện sáng kiến thanh niên và được lọt vào top 10 Sáng kiến toàn quốc của Cuộc thi sáng kiến thanh niên được tổ chức bởi Viện FES và tổ chức GYL. Chuỗi họat động của dự án này đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý giá và những trải nghiệm không thể quên.
Đặc biệt gần đây, tôi và các bạn sinh viên, các anh chị cựu sinh viên đã cùng với các thầy cô giáo của Viện CNSH&MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại Sông Tắc – TP.Nha Trang. Đó là lần đầu tôi được trải nghiệm hoạt động ý nghĩa này và biết được nhiều hơn về các loại cây trồng được ở rừng ngập mặn.
Mỗi cột mốc trong quá trình học tập ở bậc đại học của mình đều là những trải nghiệm quý giá gắn liền với những kiến thức, kỹ năng mà các thầy cô hướng dẫn thông qua các hoạt động thực tế. Từ một sinh viên khá rụt rè trong những năm đầu, đến nay, tôi cảm nhận được sự thay đổi và trưởng thành của bản thân qua từng ngày. Cám ơn các thầy cô của Viện CNSH&MT, cám ơn bạn bè, cám ơn mái trường Trường Đại học Nha Trang đã cho tôi những tháng ngày thanh xuân rực rỡ và đáng nhớ này!